Đối với tín đồ yêu whisky, bên cạnh giây phút thưởng thức những chai whisky ngon, việc khám phá những câu chuyện lịch sử và văn hóa xoay quanh thức uống quyến rũ này cũng là trải nghiệm rất thú vị. Trong bài viết này, hãy cùng WHISKY.vn khám phá khởi nguồn của tên gọi “whisky” và tìm hiểu tại sao ở Scotland, whisky được gọi là “nước của sự sống”.
Từ “whisky” bắt nguồn từ đâu?
Whisky bắt nguồn từ “uisge beatha” (tiếng Gaelic Scotland) hoặc “uisce beatha” (tiếng Gaelic Ireland). Cách phát âm của cả hai từ này đều là “ish-ka ba-ha” và đều có nghĩa là “nước của sự sống”.
Nguồn gốc của “uisge beatha”
Thuật ngữ “uisge beatha” xuất hiện từ những ngày đầu tiên khi nghề chưng cất rượu xuất hiện ở Châu Âu. Theo nhiều tài liệu, quy trình sản xuất nước hoa và hương liệu theo phương pháp chưng cất đã xuất hiện ở Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại. Sau đó, các nhà giả kim Hy Lạp đã phát triển một dạng sơ khai của nồi chưng alembic. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ thuật chưng cất chỉ thực sự đạt được những tiến bộ đáng kể trong Thời kỳ hoàng kim Hồi giáo và kỹ thuật này có khả năng được du nhập từ thế giới Ả Rập sau các cuộc Thập tự chinh.
Chẳng mấy chốc, kỹ thuật chưng cất trở nên phổ biến vào thời Trung cổ ở Châu Âu. Quá trình chưng cất rượu được các nhà tu hành du nhập vào những vùng đất sản xuất whisky chính của Scotland và Ireland vào đầu thời Trung cổ, ban đầu được sử dụng để tạo ra rượu thuốc. Người ta tin rằng các sản phẩm chưng cất ban đầu này có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, chúng cũng được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.
Từ dược liệu đến thức uống được yêu thích
Mặc dù việc sản xuất rượu mạnh bắt nguồn từ việc sử dụng nó làm thuốc, nhưng ý nghĩa văn hóa và xã hội của nó nhanh chóng được đón nhận. Hector Boece đã viết vào năm 1526: “Khi tổ tiên của tôi muốn vui vẻ, họ đã sử dụng một loại rượu mạnh không có gia vị, chỉ bao gồm các loại thảo mộc và rễ cây mọc trong vườn của họ”.
Đây không phải là loại whisky mà chúng ta yêu thích hiện nay, nó gần giống với gin hơn. Whisky lúc này là một loại rượu mạnh chưng cất (thường từ ngũ cốc) được thêm hương liệu từ các loại thảo mộc, rễ cây và trái cây với các tầng hương từ xô thơm, hương thảo, thạch nam, v.v. Theo thời gian, whisky phát triển và thay đổi, cuối cùng trở thành một loại rượu trong suốt được ủ trong thùng.
Ngày nay, khía cạnh dược liệu của whisky hầu như không còn được công nhận và rất hiếm khi thấy bất kỳ tổ chức y tế nào công nhận đề nghị uống rượu dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, cách hiểu về whisky như “nước của sự sống” vẫn đúng với những tín đồ yêu thưởng thức rượu mạnh. Whisky khi đó, cũng như bây giờ, là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong các cuộc tụ tập xã hội, lễ kỷ niệm và nghi lễ quan trọng.
Từ “Uisge beatha” đến “Whisky”
Vậy thuật ngữ “uisge beatha” liên quan gì đến từ “whisky?”. Câu trả lời nằm ở cách các từ ngữ phát triển thông qua các quá trình đơn giản hóa và hiện tượng đồng âm.
Trong thời Trung cổ, chúng ta thấy uisge beatha được Anh hóa và biến thành usquebaugh. Âm “b” trong “beatha” chuyển thành âm “v” nhiều hơn. Từ usquebaugh ra đời thành “usquebae” hoặc “usquebea” ở Scotland , sau đó là “usky” hoặc “usque” ở Ireland. Con người thích rút gọn các từ để đơn giản hóa chúng. Vì vậy, chúng ta có thể thấy mối liên hệ từ usky sang whisky là một sự biến đổi dễ hiểu.
Whisky – Nước của sự sống
Việc ví Whisky là “nước của sự sống” nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của whisky, từ nguồn gốc như một loại thuốc tiên duy trì sự sống cho đến vị thế đương đại của nó như một thức uống được yêu thích vì sự phức hợp, truyền thống và hương vị quyến rũ. Cùng tìm hiểu về thế giới của văn hóa whisky và chia sẻ niềm đam mê rượu mạnh cùng những người tín đồ chung sở thích để tạo nên những khoảnh khắc gắn kết và vui vẻ tại WHISKY.vn!